Skip to main content

Kỷ niệm 62 năm thảm họa chất độc màu da cam (10/8/1961-10/8/2023)

Từ năm 2004, ngày 10/8 hàng năm được lấy làm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm từng bước giảm bớt khó khăn và chăm sóc tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam.

Thảm họa da cam

Thực tế đã chứng minh cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài nhất gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Từ năm 1961 đến năm 1971, chỉ trong vòng 10 năm, quân đội Mỹ và đồng minh đã rải 80 triệu lít chất diệt cỏ có chứa chất cực độc dioxin và khoảng 9.000 tấn chất độc CS xuống các thôn làng, đồng ruộng, rừng cây của Việt Nam với tổng diện tích hơn 2,6 triệu héc-ta. Chất độc này gây nên thảm họa khốc liệt mà hiện nay hậu quả của nó vẫn còn tiếp diễn(1).

Theo số liệu thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ở Việt Nam có 4,8 triệu người bị nhiễm chất độc hóa học, bao gồm cả những người tham gia kháng chiến và người dân sinh sống trên địa bàn bị rải chất độc hóa học. Trong đó, cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam ở nước ta có tới 4-5 người bị phơi nhiễm hoặc nhiều hơn; nhiều nạn nhân không có khả năng lao động, thậm chí không có khả năng làm chủ hành động của bản thân...

 

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam nói riêng. Hằng năm, Nhà nước dành khoảng 10.000 tỷ đồng để chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ, phục hồi chức năng cho nạn nhân, triển khai các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái, hỗ trợ người dân một số vùng đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin.

Trải qua 19 năm hoạt động (2004-2023), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã góp phần quan trọng chăm sóc, hỗ trợ đời sống của nạn nhân chất độc da cam trên cả nước. Đến nay tổ chức hội đã được thành lập ở 63 tỉnh thành, 612 huyện, thành phố, 6722 xã, phường, với hơn 400 ngàn hội viên. Hội đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân, trị giá 3,058 tỷ đồng; xây dựng 26 cơ sở bán trú; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 6.750 căn nhà tình nghĩa, trợ cấp 11.900 suất học bổng; hỗ trợ khám chữa bệnh, vốn sản xuất, tặng quà dịp lễ, tết và 10/8 hàng năm: 3.860.250 lượt suất. Đồng thời vận động, tăng cường nguồn lực quỹ hội, số dư cuối kỳ tháng 12/2022 là 3.185 tỷ đồng trong đó nguồn lực trong nước là 2.299 tỷ đồng, nguồn lực ngoài nước là 154,25 tỷ đồng…

Một số nhiệm vụ trọng tâm

(1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cho cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở và toàn dân nắm rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

(2) Quan tâm củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

(3) Tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh công lý cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng, đấu tranh chống vũ khí hóa học và vũ khí hạt nhân, giữ vững môi trường hòa bình hợp tác.

(4) Đẩy mạnh xã hội hóa vận động nguồn lực trong nước và quốc tế, chăm lo, giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, Thực hiện tốt việc tôn vinh, biểu dương các tập thể, cá nhân, những tấm gương vượt khó vươn lên, những người nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân tiêu biểu; các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

(5) Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Vận động hội viên, gia đình hội viên nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực tham gia lao động sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

62 năm đã qua đi kể từ khi chiếc máy bay đầu tiên của không lực Hoa Kỳ bắt đầu phun rải chất độc ở Việt Nam, chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và con người vẫn chưa đi vào dĩ vãng, những mất mát, đau thương do thảm họa da cam/dioxin để lại trên đất nước ta vẫn rất lớnNhững hành động thiết thực nêu trên thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, cùng chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt cho các nạn nhân chất độc da cam và gia đình có thêm động lực vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng./.

About